Cơn đau thường xuất hiện ở vùng đầu, gáy, vùng cổ trên, vùng mặt hốc mắt. Có thể đau khu trú một bên hoặc lan tỏa.

Nguyên nhân gây đau đầu

Có 2 loại đầu đầu: Đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.

– Đau đầu nguyên phát thường có liên quan đến các yếu tố môi trường, vật lý, gắng sức hoặc tâm lý mà không phải là biểu hiện của một bệnh lý khác.

– Đau đầu thứ phát là biểu hiện của rối loạn sinh lý hoặc bệnh lý khác như:

  • Tăng áp lực nội sọ do u não, áp xe não, tụ máu dưới màng cứng, phù não, giả u não.
  • Viêm màng não, viêm não, viêm động mạch thái dương.
  • Đau nhức vùng hốc mắt, cườm nước (tăng nhãn áp).
  • Đau dây thần kinh tam thoa.
  • Viêm cột sống cổ, viêm xương khớp đốt sống cổ, hội chứng khớp thái dương hàm.
  • Do sử dụng thuốc giãn mạch, nitrat, nitrit, mononatri glutamat, caffein, thuốc phiện, rượu.

Phân loại đau đầu

Đau nửa đầu:

Có căn nguyên từ thần kinh mạch máu, xuất hiện từng cơn ở một bên đầu với cảm giác da đầu căng và rát như bị bỏng kèm các triệu chứng ù tai, mờ mắt, buồn nôn, sợ tiếng ồn, ánh sáng… Khoảng 11% dân số trưởng thành trên thế giới đang phải gánh chịu các cơn đau nửa đầu, trong đó phụ nữ chiếm đến 3/4. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo phân tích của các nhà khoa học, có mối liên hệ rõ rệt giữa những biến đổi ở não dẫn đến những hoạt động thần kinh bất thường gây ra những cơn đau nửa đầu mức độ vừa đến nặng. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra gốc tự do là một trong những tác nhân nguy hiểm nhất làm khởi phát chứng đau nửa đầu. Tại não, gốc tự do sinh ra liên tục, lắng đọng ở thành mạch máu, thúc đẩy quá trình xơ vữa, làm hẹp lòng động mạch cản trở máu dẫn oxy về nuôi não. Bên cạnh đó, gốc tự do và các hóa chất trung gian sinh ra trong quá trình chuyển hóa ở não làm gia tăng hoạt động bạch cầu, khởi phát quá trình viêm, sản sinh chất gây giãn mạch làm tổn thương nội mạc mạch máu, gây ra những cơn đau nửa đầu.

Đau đầu từng cụm (cluster headache): 

Cũng có nguyên nhân từ thần kinh mạch máu, gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và phần lớn có hút thuốc. Tuy nhiên, gần đây tỉ lệ nữ giới bị đau đầu từng cụm cũng đang dần tăng. Các cơn đau xuất hiện sau khi ngủ từ 1 đến 3 giờ, khi tỉnh dậy đã thấy đầu đau nặng. Cơn đau thành từng cụm, khu trú ở nửa đầu, đau nhiều ở sau mắt, lan ra trán và thái dương, kèm theo ngạt mũi, chảy nước mắt, buồn nôn…

Đau đầu do căng thẳng: 

Ngày nay, nhịp sống nhanh và ồn ào tại nhiều thành phố lớn làm cho con người bị cuốn vào những lo toan cho gia đình, công việc, gần như không có nhiều thời gian cho chính bản thân mình. Đây là điều kiện thích hợp để nhiều loại bệnh đô thị xuất hiện, trong đó có chứng đau đầu căng thẳng. Đau đầu do căng thẳng có khá nhiều biểu hiện giống với bệnh đau nửa đầu. Bệnh đau đầu căng thẳng ít có tính chất thon thót mạch đập và thường tiến triển tăng dần, khác với kiểu khởi phát cơn đau nửa đầu (đến khá nhanh và bất ngờ). Thời gian cơn đau kéo dài, dao động khác nhau nhưng tính chất cơn đau ổn định và cường độ không dữ dội như đau nửa đầu.

Đau đầu mạn tính hàng ngày (Chronic daily headache):

Là dạng đau đầu kéo dài trên 15 ngày/ tháng, thường có bệnh lý kết hợp như trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, cơn hoảng sợ, stress và lạm dụng thuốc. Hầu hết các trường hợp đau đầu này không phát hiện dấu hiệu bất thường trên ảnh chụp não. Nếu không được cải thiện sẽ gây ra những rối loạn cơ thể như hồi hộp, mất ngủ, đau bao tử, ngoài ra còn xuất hiện triệu chứng trầm cảm như lo âu, thậm chí thay đổi tính cách.

Điều trị đau đầu

Young beautiful asian woman headache on white bed, sad, migraine stressed, crying, disappointed feeling in the morning
  • Để điều trị hiệu quả đau đầu cần xác định loại đau đầu và nguyên nhân.
  • Nghỉ ngơi cơ thể và tinh thần là biện pháp cần thiết trong mọi trường hợp đau đầu.
  • Có thể cần sử dụng các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) như ibuprofen, meloxicam…hoặc thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc đau nửa đầu, thuốc chống nôn.
  • Không nên dùng paracetamol quá 3 g/ngày và kéo dài quá 10 ngày đối với người lớn và quá 5 ngày đối với trẻ em nếu không có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng paracetamol liều cao kéo dài hoặc sử dụng paracetamol chung với rượu có thể gây tổn thương gan nặng.
  • Phương pháp điều trị vật lý trị liệu thường có thể làm giảm cơn đau.
  • Châm cứu có thể được sử dụng trong điều trị cơn đau và có tác dụng trong một số trường hợp.

Phòng ngừa đau đầu

– Đối với trường hợp đau đầu nguyên phát, có thể áp dụng các biện pháp sau:

+ Nếu đau đầu do phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống thì nên:

  • Dành thời gian thư giãn mỗi ngày, giảm stress.
  • Làm việc trong điều kiện đủ sáng, thoáng mát.
  • Hạn chế các loại thực phẩm như phô mai, hạt dẻ, chocolate, rượu vang đỏ hay có chứa caffein.

+ Nếu đau đầu do xoang xảy ra khi trời lạnh, do dị ứng gây viêm đường hô hấp hay nhiễm trùng đường hô hấp thì cần:

  • Giữ ấm khi trời lạnh.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân thường gây dị ứng như hạt phấn, bụi bặm, khói thuốc và các mùi nặng.
  • Nếu bị nghẹt mũi có thể dùng thuốc chống tụ huyết ở mũi giúp giảm viêm và nghẹt mũi, chườm ấm quanh mũi, uống nhiều nước.

– Đối với trường hợp đau đầu thứ phát thì cần điều trị dứt hẳn bệnh lý gây ra triệu chứng đau đầu và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng các thuốc gây tác dụng không mong muốn là đau đầu.