Thủy tinh thể (lens) làm nhiệm vụ như một thấu kính hội tụ trong suốt nằm sau mống mắt (còn gọi là tròng đen) bên trong nhãn cầu, là cấu trúc có tỉ lệ protein rất cao (chiếm 35%), bao gồm nhiều loại protein khác nhau và phải được sắp xếp theo một trật tự rất nghiêm ngặt để bảo đảm cho thủy tinh thể luôn luôn trong suốt cho phép toàn bộ ánh sáng đi qua, đồng thời thủy tinh thể phải có khả năng điều tiết tốt để luôn luôn hội tụ ánh sáng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ dù vật ở gần hay xa.

Bệnh Đục thủy tinh thể là gì?

Theo định nghĩa y khoa, đục thủy tinh thể, hay còn gọi là cườm khô, cườm đá là tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục do tác động của các chất có hại bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài làm cho các protein có nhóm thiol (liên kết –SH) bị biến đổi cấu trúc, các nhóm thiol của chúng bị mất ion Hidro và tạo thành cấu nối disulphua (liên kết SS) khi đó sẽ dẫn đến sự thay đổi về trật tự sắp xếp của các protein tại thủy tinh thể và hậu quả cuối cùng là tạo ra các đám mờ và tình trạng đục của thủy tinh thể. Khi thủy tinh thể bị đục sẽ ngăn không cho ánh sáng đi qua để đến võng mạc, từ đó làm giảm thị lực.

Các tác nhân gây đục thủy tinh thể

Có nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh, trong đó phổ biến nhất là các nguyên nhân sau:

  • Do tuổi tác.
  • Do tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, tia hàn, tia X; chấn thương
  • Sử dụng thuốc dạng uống, nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài
  • Do biến chứng bệnh tiểu đường
  • Dinh dưỡng thiếu cân đối, đặc biệt là các thành phần dinh dưỡng chuyên biệt cho mắt
  • Các dạng đục thủy tinh thể có thể chia thành: đục nhân, đục vỏ, đục bao.

Dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể

Thị lực giảm nhiều, nhìn thấy chấm đen, lóa mắt là những dấu hiệu rõ nét nhất của đục thủy tinh thể. Đây là hệ quả của thói quen ít chăm sóc và không cải thiện triệt để khi mới xuất hiện các triệu chứng ban đầu như khô, mỏi, nhìn mờ.

Do đó, hiểu kỹ về các dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể qua từng giai đoạn cũng như cảm nhận “sức khỏe” của mắt qua độ rõ khi nhìn sự vật sẽ giúp bạn phòng ngừa đục thủy tinh thể, cũng như kịp thời cải thiện khi mới xuất hiện các triệu chứng.

Điều trị bệnh đục thủy tinh thể

– Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật có 3 mục tiêu:

  • Cải thiện thị lực
  • Tránh biến chứng và hổ trợ điều trị bệnh khác ở mắt (ví dụ như bệnh tăng nhãn áp)
  • Thẩm mỹ

– Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính nhân tạo để thay thế thủy tinh thể.

– Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 – 4 tuần.

– Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.

Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Theo khuyến cáo của các chuyên gia nhãn khoa, cách tốt nhất để phòng, chống căn bệnh đục thủy tinh thể là cần thay đổi thói quen sinh hoạt một cách khoa học, kết hợp với những giải pháp hỗ trợ điều trị và thực hiện các cách sau: Cải thiện ánh sáng trong nhà; khi đi ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khói bụi… thì nên đeo kính râm hoặc một chiếc mũ rộng vành để giảm độ chói bảo vệ mắt; không hút thuốc lá; sử dụng sản phẩm như omega 3 giàu DHA, sản phẩm có tác dụng chống oxy hóa mạnh,… ngay từ khi chưa bị đục thủy tinh thể, ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, E, A, kẽm, lutein, zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc, trứng, sữa, cá,…; hạn chế ăn mặn và thức ăn có nhiều đường, dầu, mỡ,…; đặc biệt, khám mắt định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có dấu hiệu bất thường để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.