1. Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ thế nào?

  • Ở các bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu huyết khối, vữa xơ động mạch cấp tính cần được điều trị trong cơ sở điều trị chuyên khoa. Bệnh nhân giảm ý thức nặng cần được điều trị trong một buồng đặc biệt với đầy đủ kỹ thuật mới theo dõi huyết áp, chức năng phổi, máu và áp lực nội sọ, đặc biệt chú ý vệ sinh thân thể như da, mắt, miệng…
  • Với các bệnh nhân suy giảm ý thức kèm theo liệt vận động vừa, cần được điều trị phục hồi chức năng sau ít ngày của đột quỵ. Tập luyện vận động tay chân nhiều lần trong ngày để tránh teo cơ và cứng khớp (viêm quanh khớp), đặc biệt là khớp khuỷu và khớp vai, khớp háng và khớp cổ chân, dưới dự trợ giúp của các kỹ thuật viên phục hồi chức năng tùy theo mức độ liệt, tránh nóng vội tập quá mạnh gây đau đớn cho người bệnh.

  • Ở các bệnh nhân giảm hoặc mất cảm giác sâu, cảm giác cơ, khớp, có liệt nửa người, khả năng phục hồi bị hạn chế, cần phải hướng dẫn bệnh nhân những khái niệm sơ đẳng về nhận thức cảm giác của mỗi tư thế vận động, của từng động tác.
  • Điều trị rối loạn ngôn ngữ. Tinh thần lạc quan, tự giác của người bệnh với sự hướng dẫn kiên trì của người thân trong gia đình là yếu tố rất quan trọng, dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý học.
  • Các bệnh nhân có rối loạn điều hòa tiểu não cần có chiến thuật phục hồi rối loạn thăng bằng và dáng đi với sự trợ giúp tích cực của thầy thuốc và gia đình. Mục đích chủ yếu của phục hồi chức năng là giúp người bệnh có thể từng bước tự hoạt động, ít phụ thuộc trong các sinh hoạt tại nhà. Trong thời kỳ này, dễ có nguy cơ bị chấn thương do tập quá mức nên cần thận trọng.

2. Các biện pháp điều trị dự phòng đột quỵ

– Người bệnh cần được phát hiện sớm và kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và bệnh mạch vành của tim.

  • Tăng huyết áp: Đột quỵ là hậu quả chủ yếu và nặng nề nhất của tăng huyết áp. Nếu huyết áp được kiểm soát sẽ giảm hơn 30% các bệnh nhân rơi vào đột quỵ. Cả hai dạng, tăng huyết áp kéo dài và tăng huyết áp không ổn định đều phải được điều trị bởi chúng sẽ làm tăng nhanh vữa xơ động mạch, dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, cần loại trừ các yếu tố nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp như tăng mỡ máu, căng thẳng.
  • Đái tháo đường: Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường sẽ làm giảm biến chứng mạch máu. Cần kiểm tra chặt chẽ, định kỳ lượng glucoza máu.
  • Tăng mỡ máu (lipit máu): Mỡ máu cao cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ. Tránh tăng mỡ máu bằng các biện pháp:

+ Hạn chế mỡ và thay thế bằng dầu thực vật.
+ Loại bỏ thịt đỏ, trứng, sữa và bơ, thay thế bằng thịt trắng, tôm, cua, cá hoặc đạm từ thực vật như đậu, đỗ, giá đỗ.
+ Cần kết hợp chế độ ăn với chế độ vận động hợp lý.

  • Hút thuốc lá: Là nguyên nhân cao gây tử vong do tim mạch (chiếm khoảng 30%), cần loại bỏ hút thuốc ở những người có nguy cơ cao đột quỵ.
  • Béo phì và lối sống thiếu vận động: béo phì là nguyên nhân gây tăng cholesterol máu và là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch máu. Lối sống ít vận động ở người cao tuổi cũng là yếu tố nguy cơ cho đột quỵ. Vì vậy, cần tổ chức tăng cường hoạt động và giải trí cho những người cao tuổi, tránh tâm lý tự cho là người thừa của xã hội với cuộc sống cô đơn và đơn điệu.

– Ở các bệnh nhân đã bị đột quỵ, cần được điều trị dự phòng chống tái phát bằng các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu. Đã có hàng loạt các công trình nghiên cứu đa trung tâm, đa quốc gia đã kết luận để ngăn ngừa tái phát đột quỵ thiếu máu não, aspirin có hiệu lực tốt nhất với liều tối ưu hàng ngày là 325 mg. Riêng đối với bệnh tim, liều aspirin hàng ngày chỉ cần 100 mg. Hiện nay đã có nhiều loại thuốc chống ngưng kết tiểu cầu mới cũng có hiệu lực tốt.

– Lưu ý khi sử dụng thuốc: Các thuốc gây giảm huyết áp quá mức như thuốc lợi tiểu mạnh, thuốc an thần nguồn gốc tân dược cần phải dùng hết sức thận trọng. Ở các bệnh nhân cao tuổi, thuốc an thần gây ngủ sâu cũng góp phần gây tình trạng thiếu máu não, do đó các thuốc làm tăng ngủ sâu cần được loại bỏ. Người có các bệnh huyết áp, thiếu máu nặng, bệnh đa hồng cầu phải được điều trị ngay.

Theo Sức khỏe & đời sống