Viêm gan được định nghĩa là tình trạng tổn thương nhu mô gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm do nhiều nguyên nhân.

Các biểu hiện lâm sàng điển hình gợi ý đến viêm gan bao gồm như vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải, nước tiểu sậm màu, bụng chướng to… Tuy nhiên, những triệu chứng điển hình này chỉ xảy ra khoảng 25% trường hợp và thường xuất hiện ở giai đoạn muộn.

Ở giai đoạn đầu, viêm gan thường có những triệu chứng không đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như mệt mỏi, suy nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.

II.  Nguyên nhân gây viêm gan

Có ba nhóm nguyên nhân chính gây viêm gan là viêm gan do nhiễm khuẩn, viêm gan do nhiễm độc và viêm gan tự miễn.

1. Viêm gan do nhiễm virus, ký sinh trùng

● Viêm gan do nhiễm virus

  • Theo Tổ chức Y tế thế giới, viêm gan do siêu vi được xem là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm có thể làm tử vong 1,5 triệu người trên toàn cầu. Hiện nay, y học ghi nhận những virus gây viêm gan như viêm gan A, B, C, D, E, G và những virus khác như CMV, EBV; virus herpes, virus quai bị, virus rubella,…
  • Hai loại virus viêm gan A và viêm gan E được truyền qua đường tiêu hóa, các loại virus viêm gan còn lại được truyền qua đường máu. Tất cả các siêu vi này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính. Ngoài ra, siêu vi viêm gan B, C, D, G còn diễn tiến thành viêm gan mãn tính, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Hiện nay, mới chỉ có vaccine ngừa viêm gan A và viêm gan B.
  • “Theo thống kê của Bộ Y tế, có 8-25% dân số đang mắc viêm gan siêu vi B. Uớc tính đến năm 2020, cả nước sẽ có 8 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Trên thực tế lâm sàng, nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu là viêm gan mãn tính do virus viêm gan C (HCV) và viêm gan B (HBV) dẫn đến xơ gan. Đây cũng là bệnh cảnh nền của 70-80% tổng số ca ung thư gan”.

● Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng

  • Trong chu kỳ phát triển bệnh sốt rét, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum có thời gian sống ký sinh tại gan cũng là một nguyên nhân làm cho gan bị ảnh hưởng. Trong bệnh cảnh này, gan thường sưng to. Các vai trò quan trọng của gan như chống độc, dự trữ…đều bị thương tổn. Nếu được cải thiện tốt, sau từ 2- 3 tuần gan có thể khôi phục trở lại bình thường. Nhưng nếu không đạt hiệu quả, bệnh nhân có thể bị viêm gan, nặng hơn nữa là xơ gan.
  • Ngoài ra, việc mắc một số loại amip cũng có thể gây viêm gan amip. Ở giai đoạn viêm gan, bệnh nhân thường sốt cao, có thể kèm rét run 39 – 40 độ C, có thể kèm buồn nôn hoặc nôn, đau nhiều hạ sườn phải. Đau gia tăng khi thở sâu, ho, khám thấy gan lớn.

2. Viêm gan do độc chất

– Theo báo cáo của Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, mức tiêu thụ đồ uống có cồn, đặc biệt là bia tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Mức độ tiêu thụ rượu bia gia tăng kéo theo tình trạng viêm gan do rượu theo đó cũng gia tăng.

  • Viêm gan do rượu bia là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Viêm gan do rượu bia là tình trạng tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu bia và có thể diễn tiến đến xơ gan do rượu bia.
  • “Theo Tiến sĩ Đinh Quý Lan – Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam,  khoảng 90% người lạm dụng rượu, bia bị gan nhiễm mỡ, 20% đến 40% bị viêm gan, 10% đến 25% dẫn tới xơ gan. Người bệnh xơ gan có khoảng 3% đến 7% dẫn tới ung thư gan”

– Viêm gan do thuốc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay do thói quen sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng thuốc dẫn đến quá liều hoặc kéo dài, tự ý uống thuốc. Những thói quen này chính là nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc xảy ra ngày càng nhiều.

  • Hầu hết các thuốc dù được dùng bằng đường uống, đường tiêm, xịt hít qua mũi hay dán trên da…đều được chuyển hoá tại gan. Sự tích tụ thuốc do lạm dụng thuốc không được chuyển hoá và khử độc có thể gây ngộ độc thuốc và gây viêm gan do thuốc.
  • Đa số tổn thương gan do thuốc là cấp tính (diễn tiến dưới 6 tháng) với ồ ạt các triệu chứng, gây hoại tử tế bào gan hoặc ngăn chặn sự bài tiết mật. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị viêm gan mãn tính không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng lúc ban đầu, đến khi phát hiện, gan đã bị xơ hoá hoặc tổn thương nặng. Hiện vẫn chưa có chứng minh rằng một số loại thuốc dân gian Đông y đang được nhiều người sử dụng như hiện nay có tác dụng trị viêm gan hiệu quả. Thậm chí, một số thành phần trong các thuốc này còn tạo gánh nặng khử độc cho gan.
  • “Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có hơn 1.000 loại thuốc được báo cáo làm tổn thương gan. Trong đó, phần lớn là các thuốc được chuyển hóa ở gan gây ngộ độc gan do sử dụng quá liều hoặc kéo dài. Các loại thuốc này gây tổn thương hệ thống khử độc của tế bào gan, từ đó làm giảm khả năng thải độc ở gan rồi phá hủy tế bào gan”.

– Công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 12/2015 cho thấy, thực phẩm “bẩn” không chỉ chứa những loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng mà còn chứa rất nhiều các loại chất hóa học, chất bảo quản, tồn dư chất bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất tạo nạc… Các chất này chính là nguyên nhân của 200 căn bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư. Ước tính mỗi năm có đến 600 triệu người mắc bệnh.

  • Khi vào cơ thể, các chất độc hại trong thực phẩm “bẩn” khiến gan sớm suy yếu vì nhiễm độc.  Báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới (WCRF) cũng cho thấy, sử dụng các loại thực phẩm “bẩn” đặc biệt có chứa độc tố vi nấm Aflatoxin chính là “thủ phạm” gây ung thư gan  – một trong những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu thế giới.

3. Viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn là tình trạng viêm ở gan xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công gan. Mặc dù nguyên nhân của bệnh viêm gan tự miễn không hoàn toàn rõ ràng, nhưng người ta nhận thấy rằng một số bệnh, chất độc và các loại thuốc có thể gây ra viêm gan tự miễn ở những người nhạy cảm, đặc biệt là phụ nữ. Nếu không cải thiện tình trạng viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên, viêm gan tự miễn là bệnh rất hiếm gặp, tỉ lệ lưu hành bệnh khoảng 1.9/100 000.

III.  Biến chứng nguy hiểm do viêm gan gây ra

Viêm gan do bất kỳ nguyên nhân nào nếu không được cải thiện và có cách bảo vệ gan đúng cách đều có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và không thể hồi phục là xơ gan và ung thư gan.

1. Xơ gan

Xơ gan là bệnh gan mãn tính trong đó tế bào gan bị thoái hóa hoại tử và được thay bởi những tế bào gan tân sinh và các dải xơ làm cấu trúc tiểu thùy gan bị thay đổi thành những nốt tân sinh không có chức năng.

Các triệu chứng của xơ gan bao gồm những những ảnh hưởng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa và ảnh hưởng của suy tế bào gan. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm cho bệnh nhân bị cổ trướng (báng bụng) , bụng trương phình, giãn tĩnh mạch thực quản gây nôn ra máu và tiêu phân đen, lách to, giãn tĩnh mạch trực tràng (trĩ). Tình trạng xơ hóa làm hoạt động của gan suy giảm, với cách triệu chứng như hôn mê, hơi thở có mùi hôi, vàng da niêm, xuất huyết dưới da, thiếu máu, thậm chí có thể có những thay đổi về tâm thần kinh dẫn đến hôn mê gan.

 2. Ung thư gan

Ung thư gan có 2 dạng: nguyên phát và thứ phát. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là ung thư gan nguyên phát thường gặp, đứng thứ sáu trong các ung thư trên toàn cầu và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong của bệnh ung thư. Ung thư gan khó nhận biết sớm do triệu chứng không đặc trưng như sốt nhẹ, mệt mỏi, khó tiêu, đau bụng và người bệnh dễ chủ quan bỏ qua. Khi đã phát hiện thì đã tiến triển nặng và tỷ lệ tử vong cao.

IV.  Phân loại 2 dạng viêm gan

Tùy theo thời gian kéo dài của bệnh mà người ta phân chia thành bệnh viêm gan cấp tính và bệnh viêm gan mãn tính. Mỗi thể bệnh có những đặc điểm riêng.

1. Viêm gan cấp

Viêm gan cấp được đặc trưng bởi sự phá huỷ tế bào gan và sự hiện diện tế bào viêm trong mô gan kéo dài dưới 6 tháng. Phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường tự phục hồi.

Viêm gan cấp có thể xảy ra ở các nguyên nhân viêm gan do virus (thường là viêm gan A, B), viêm gan do ký sinh trùng, viêm gan do thuốc (ngộ độc paracetamol liều cao), viêm gan do rượu bia…

Viêm gan cấp thường có những triệu chứng như mệt mỏi, ăn không tiêu, buồn nôn, có khi bị nôn, sốt. Sau nhiều ngày có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt. Một số bệnh nhân bị viêm gan cấp do virus B có thể bị đau khớp, bị lú lẫn và hôn mê.

Bệnh nhân bị viêm gan cấp nếu được khắc phục và chăm sóc tốt sẽ giảm nhẹ dần sau 4-6 tuần và có thể phục hồi sau 3 tháng. Ngược lại, nếu không được quan tâm chăm sóc tốt, một số trường hợp có thể nặng dẫn tới viêm gan mãn tính.

2. Viêm gan mãn tính

Viêm gan mãn tính là bệnh gan có tổn thương hoại tử và viêm diễn ra trong thời gian trên 6 tháng. Viêm gan mãn tính thường là hậu quả của viêm gan cấp tính.

Viêm gan mãn tính có thể xảy ra ở các trường hợp viêm gan virus (thường gặp là viêm gan B, C và phối hợp với D); viêm gan tự miễn, viêm gan do thuốc, viêm gan do rượu bia.

Ở viêm gan mãn tính, triệu chứng khởi đầu có thể biểu hiện những đợt rầm rộ như trong viêm gan cấp, phần còn lại thường có những triệu chứng âm thầm như mệt mỏi, cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, đau cơ, đau khớp hoặc nhiều lúc chỉ có cảm giác nhức mỏi thông thường làm bệnh nhân không nhận biết được.

Khi đã bước sang giai đoạn xơ gan, các biểu hiện viêm thường giảm dần, thay vào đó là các triệu chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy tế bào gan là nổi bật.

V.  Các xét nghiệm viêm gan nên thực hiện 

Gan có chứa rất nhiều loại men (enzyme) khác nhau để xúc tác các phản ứng chuyển hóa các chất trong cơ thể. Khi tế bào gan bị hủy hoại sẽ phóng thích các men này vào máu gây tăng men gan. Do vậy, kết quả xét nghiệm tăng men gan trong máu là dấu hiệu cho biết gan đang bị viêm và hoại tử tế bào gan (ALT, AST) cũng như bất thường về bài tiết mật ở gan (GGT, ALP).

Tuy nhiên, để biết rõ nguyên nhân gây viêm gan, cần tiến hành thêm một số xét nghiệm khác đặc biệt trong các xét nghiệm viêm gan virus. Tất cả các thông số này đều rất cần để các chuyên viên y tế tiên lượng và theo dõi quá trình cải thiện tình trạng viêm gan.

VI. Phòng ngừa, bảo vệ lá gan của bạn như thế nào?

Chế độ ăn uống hợp lý

Dinh dưỡng hợp lý, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và tránh ăn quá no: chúng ta nên chọn và sử dụng những thực phẩm đảm bảo vệ sinh, ăn uống đầy đủ và cân bằng các loại chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất…. Bổ sung thêm một số thực phẩm tốt cho gan như tỏi, dầu oliu, trà xanh, bưởi và quả óc chó…

Hạn chế bia rượu và thuốc lá

Để phòng ngừa các bệnh lý về gan, các bác sĩ và chuyên gia đều cho rằng, qua trọng nhất là phải từ bỏ rượu bia. Đối với các người nghiện rượu, bắt đầu từ việc cắt giảm lượng rượu sử dụng trong tuần. Trong hoàn cảnh bắt buộc phải sử dụng rượu bia thì nên uống một lượng vừa phải. Nam giới chỉ uống không quá 4 đơn vị (1 đơn vị khoảng 30ml) một ngày và dưới 21 đơn vị một tuần, riêng nữ, giới hạn là 3 đơn vị một ngày và 14 đơn vị một tuần. Hạn chế và tốt nhất là nói không với thuốc lá.

Tăng cường vận động

Việc tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu giúp đốt cháy lượng chất béo, lượng mỡ thừa trong cơ thể đồng thời cũng làm giảm hàm lượng chất béo trong gan, giúp kiểm soát tình trạng men gan tăng cao, gây ra một số bệnh lý về gan.

Khám sức khỏe định kỳ

Đây là giải pháp thông minh để bảo vệ gan nói riêng cũng như bảo vệ toàn diện cơ thể chúng ta trước các nguy cơ bệnh tật. Nên duy trì thói quen khám sức khỏe 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.