NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM KHI KHÔNG ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN CHO TRẺ ĐÚNG CÁCH

Táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và khó điều trị hơn rất nhiều. 

Những biến chứng nguy hiểm khi không điều trị táo bón cho trẻ đúng cách:

Trẻ nhỏ khi bị táo bón nếu không được điều trị triệt để, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ thường khó chịu nên hay cáu gắt, không tập trung học tập và vui chơi như các bạn khác. Về lâu dài, táo bón còn làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như kén ăn và gặp các biến chứng nặng nề khác như:

  • Sa trực tràng: táo bón, khó đi ngoài nên bé phải dùng sức rặn nhiều gây nên sa trực tràng. Mà tình trạng sa trực tràng do táo bón ở trẻ em việc điều trị sẽ rất khó khăn.
  • Viêm ruột: táo bón gây ứ phân nhiều trong trực tràng và đoạn đại tràng sigma giãn ra gây viêm ruột ở trẻ em.
  • Còi cọc, chậm lớn: trẻ bị ứ phân khiến con không muốn ăn, còi cọc, chậm lớn, thậm chí có thể buồn nôn và mất cảm giác thèm ăn.

Thời điểm nào trẻ dễ bị táo bón nhất ?

Có ba thời điểm trẻ dễ bị táo bón nhất đó là:

  • Thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm: do chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc nên dễ có xu hướng thiếu nước hơn.
  •  Lúc trẻ tập đi vệ sinh: phụ huynh thường mong trẻ đi vệ sinh đúng giờ, đúng chỗ,… nhưng việc này khiến cho trẻ đôi khi nhịn đi đại tiện để chờ đúng giờ, dẫn đến trẻ bị táo bón.
  •  Thời điểm bắt đầu đi học: khi đi học, đến chỗ lạ, trẻ không quen nên hay nhịn đi đại tiện, để về nhà mới đi.

Điều trị táo bón ở trẻ em như thế nào ?

Sử dụng các thuốc điều trị táo bón cho trẻ theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ

        Thuốc bổ sung chất xơ (cám lúa mì, gôm sterculia,…): các thuốc này có tác dụng hút nước, kích thích nhu động ruột làm cho phân mềm hơn và dễ dàng đẩy ra ngoài.

        Thuốc làm mềm phân (chứa glycerol): loại thuốc này thường được dùng bơm vào hậu môn, giúp làm mềm phân hơn và dễ dàng tống ra ngoài.

        Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (lactulose, sorbitol, polyethylene glycol): các thuốc này có tác dụng làm giảm sự hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp làm mềm phân.

        Thuốc nhuận tràng kích thích (bisacodyl): thuốc giúp tăng nhu động ruột, kích thích cơ đại tràng co bóp, làm cho phân nhanh chóng được tống ra ngoài. Lưu ý, thuốc cần một thời gian khá dài (8-12 tiếng) để phát huy tác dụng. Ngoài ra, thuốc chỉ dùng khi trẻ không còn đáp ứng với các loại thuốc ở trên.

Tập luyện

Việc rèn luyện cho trẻ có thói quen đi ngoài hàng ngày vào một giờ cố định cũng giúp trẻ tránh mắc táo bón. Nên cho trẻ ngồi bô sau bữa ăn tối, mỗi lần 5-10 phút để tạo phản xạ đi ngoài đúng giờ.

Điều chỉnh chế độ ăn

Để giúp trẻ tránh khỏi táo bón, cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ:

  • Tăng cường rau xanh, quả chín
  • Uống đủ nước, có thể bổ sung thêm nước trái cây, sinh tố hoa quả,…
  • Cho trẻ uống sữa công thức không quá 500ml- 600ml/ ngày.