Theo nghiên cứu, tỷ lệ rụng tóc ở nam giới nhiều gấp 3 lần so với phái nữ và bất kỳ người đàn ông nào cũng trải qua tình trạng rụng tóc trong cuộc đời. Nhưng hầu hết các quý ông không chú ý chăm sóc tóc sớm khiến tình trạng rụng tóc diễn biến nặng và có không ít trường hợp dẫn đến hói đầu.
Các kiểu rụng tóc ở nam giới
– Cũng như nữ giới, hiện tượng rụng tóc nhiều ở nam giới cũng gây không ít phiền toái và ảnh hưởng tới tâm lý của đám mày râu. Hai kiểu rụng tóc nam thường thấy gồm:
- Rụng tóc kiểu chữ M: tóc thường bị rụng nhiều ở hai bên thái dương và vùng trán tạo thành hình dáng giống chữ M. Trong khi đó, tóc phía bên và sau gáy vẫn mọc tốt; lông mày, lông mi, râu cằm vẫn mọc bình thường. Kiểu rụng tóc hình chữ M là kiểu rụng thường gặp nhất ở nam giới.
- Rụng tóc kiểu chữ U: vùng tóc rụng thường theo hình chữ U giống với hình móng ngựa, tóc thưa toàn bộ vùng trán và có khi kéo dài đến giữa đầu.
- Ngoài ra, một số nam giới còn bị rụng tóc chữ O: tóc rụng khu vực đỉnh đầu và lộ rõ da đầu ở vùng đỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ người bị rụng tóc kiểu này ít gặp hơn.
– Nếu nam giới bị rụng tóc nhiều có thể dẫn đến hói đầu sau khi xuất hiện tình trạng này khoảng vài năm.
Nguyên nhân gây rụng tóc nhiều ở nam giới
– Phần lớn nguyên nhân gây rụng tóc hói đầu ở nam giới được cho là có liên quan tới tính chất di truyền và hormone nam. Tuy nhiên nguyên nhân chính gây ra tình trạng rụng tóc ở nam giới vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ.
– Một số nguyên nhân gây tình trạng rụng tóc nam có thể có gồm:
- Sau phẫu thuật hoặc điều trị bệnh: Tình trạng rụng tóc có thể gặp sau khi bạn thực hiện một ca phẫu thuật, hay điều trị bệnh nào đó. Tuy nhiên hiện tượng này hoàn toàn bình thường không nên quá lo lắng, tóc sẽ mọc lại sau một thời gian nhất định.
- Tác dụng phụ của thuốc: Có một số loại thuốc khi điều trị gây hiện tượng rụng tóc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đông máu, điều trị ung thư… Tóc sẽ mọc lại sau khi dừng dùng thuốc.
- Mất cân bằng nội tiết: Sự mất cân bằng giữa dihydrotestosterone và Testosterone là nguyên nhân khiến tóc bị rụng. Tại chân tóc, dihydrotestosterone liên kết với các thụ thể đặc biệt của tế bào nang tóc, khiến nang tóc nhỏ dần và biến mất, sợi tóc dễ rụng, ngoài ra còn kích thích tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, khiến chân tóc yếu, tóc dễ bị rụng khỏi da đầu. Ở nam giới khi đến tuổi trung niên, sự sụt giảm sản xuất Testosterone trong cơ thể khiến cho tóc rụng nhiều hơn, thậm chí có hiện tượng rụng tóc mảng.
- Bệnh lý tuyến giáp: Bệnh lý cường giáp hay suy giáp đều là nguyên nhân gây ra rụng tóc.
- Yếu tố tâm lý: Nam giới thường chịu nhiều áp lực từ công việc nên dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, stress kéo dài. Tuy nhiên nếu khắc phục được thì hiện tượng rụng tóc sẽ mất đi.
- Một số bệnh gây rụng tóc ở nam giới: Bệnh lý tự miễn, viêm nhiễm da đầu, bệnh đái tháo đường…
- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của tóc cũng ảnh hưởng đến sức khỏe mái tóc, khiến tóc yếu, dễ rụng.
Cách khắc phục tình trạng rụng tóc nhiều
- Chế độ ăn uống: Đảm bảo cung cấp đủ các loại vitamin như vitamin A, B, E, protein (như cá, thịt nạc, đậu…) đảm bảo nguồn dưỡng chất cho sợi tóc khỏe.
- Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia, thuốc lá vì các chất kích thích này sẽ ngăn cản quá trình tăng trưởng và phát triển của tóc.
- Loại bỏ căng thẳng: Tránh các stress, căng thẳng quá độ làm ảnh hưởng đến tế bào mầm tóc. Có thể tập thể dục, yoga, thiền, thư giãn nghỉ ngơi.
- Gội đầu 2-3 lần/ tuần với loại dầu gội nhẹ dịu. Khi gội nên massage nhẹ nhàng để kích thích lưu thông máu, giúp da đầu sạch, tránh viêm nhiễm.
- Trong trường hợp bị rụng tóc do viêm nhiễm, bệnh lý, nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn phương pháp cải thiện thích hợp.
- Bổ sung thêm các chất chuyên biệt dành riêng cho nam để ổn định thần kinh nội tiết nam, giảm stress, tăng cường dưỡng chất… từ đó bảo vệ tế bào mầm tóc khỏe mạnh, giúp tóc mọc đủ chu trình, chắc khỏe, giảm rụng tóc.