Ai có nguy cơ bị tràn dịch khớp gối?

Tràn dịch khớp gối là tổn thương gây ra tình trạng dịch trong khớp gối quá nhiều làm cho khớp gối bị phù nề, sưng to, giảm chức năng vận động, đau khi vận động… Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tràn dịch khớp gối:

  • Bệnh thường gặp nhiều hơn ở lứa tuổi trên 55, rất có thể sự thoái hóa theo quá trình tự nhiên của khớp là yếu tố tác động đến bệnh lý này.
  • Những người tham gia nhiều vào các hoạt động thể thao có nguy cơ chấn thương nhiều hơn, đặc biệt là những môn thể thao liên quan đến các chuyển động đột ngột của khớp như bóng đá, bóng rổ…
  • Thừa cân – béo phì làm tăng nguy cơ  thoái hóa khớp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tràn dịch khớp gối.
  • Tình trạng chấn thương cũng hay gặp trong tràn dịch khớp gối, chấn thương các cấu trúc giải phẫu có thể gây đau và gây tràn dịch khớp gối.

Ngoài ra, nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối có thể gặp là: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp, gout, …

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối là tình trạng lượng dịch trong khớp gối nhiều lên, có thể phát hiện dễ dàng trên lâm sàng. Các dấu hiệu của tràn dịch khớp gối điển hình bao gồm:

  • Sưng nề: Một bên gối có thể sẽ to hơn bên kia.
  • Hạn chế vận động khớp: Khớp gối của bạn sẽ bị hạn chế vận động do lượng dịch trong khớp cản trở vận động khớp.
  • Đau: Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch khớp mà có thể sẽ có triệu chứng đau khớp, đôi khi do đau mà bệnh nhân không thể đi lại được.

Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?

Tràn dịch khớp gối nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ không gây ra nguy hiểm gì cho sức khỏe người bệnh.

Nếu không được điều trị, dịch trong khớp gối sẽ làm hạn chế vận động khớp, việc chọc hút dịch khớp nhiều lần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và nếu có nhiễm trùng thì sẽ phá hủy khớp và có thể ảnh hưởng đến toàn thân bệnh nhân.

Phòng ngừa bệnh tràn dịch khớp gối

Để phòng ngừa căn bệnh tràn dịch khớp gối xảy ra, bạn cần lưu ý:

  • Lao động vừa sức, hạn chế làm việc nặng và các chuyển động dột ngột như đứng lên, ngồi xuống,… gây tổn thương khớp gối.
  • Tránh thừa cân, béo phì để hạn chế làm tăng áp lực lên khớp gối dễ bị tổn thương.
  • Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, nên bổ sung nhiều rau và chất xơ, hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu đạm, chất béo.
  • Đối với những người phải ngồi lâu để làm việc thì nên đứng dậy đi lại và thư giãn khoảng 10 phút giúp hạn chế tổn thương ở đầu gối.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao như đạp xe, đi bộ, bơi lội,… không chỉ giúp làm tăng quá trình lưu thông máu, nuôi dưỡng khớp gối khỏe mạnh mà còn duy trì được cân nặng vừa phải, bảo vệ khớp gối trước nguy cơ bị thoái hóa sớm.

Tìm hiểu nguyên nhân và nhận biết các triệu chứng của bệnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh thì hãy chủ động đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn: Tổng hợp