Radix Pacomiae Lactiflorae

1. Tên gọi khác

  • Dư Dung, Kỳ Tích, Giải Thương, Kim Thược Dược, Mộc Bản Thảo, Tương Ly , Lê Thực, Đỉnh, Ngưu Đỉnh, Khởi Ly, Thổ Cẩm, Quan Phương, Cận Khách, Diễm Hữu, Hắc Tân Diêng, Điện Xuân Khách, Cẩm Túc Căn , Một Cốt Hoa , Lam Vĩ Xuân.

2. Tên khoa học

  • Radix Pacomiae Lactiflorae.
  • Họ Mao Lương ( Ranunculaceae).

3. Mô tả về bạch thược

 

Mô tả về bạch thược
  • Bạch Thược hay Thược Dược là một cây sống lâu năm cao 50-80cm, rễ củ to, thân mọc thẳng đứng, không có lông. Lá mọc so le, xẻ sâu thành 3-7 thùy hình trứng dài 8-12cm, rộng 2-4cm, mép nguyên, phía cuống hơi hồng. Hoa mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng. Mùa hoa ở Trung Quốc vào các tháng 5-7, mùa quả vào các tháng 6-7.
  • Bạch Thược là loài cây bụi ưa ẩm và nhiều ánh sáng. Cây thích hợp với những vùng có khí hậu mát mẻ, vùng núi cao có nhiệt độ trung bình từ 15 đến 30 độ C. Cây Bạch Thược được trồng bằng hạt. Cây bắt đầu ra hoa sau 4 đến 5 năm tuổi.
  • Cho đến nay ta vẫn nhập Thược Dược từ Trung Quốc và đã di thực thành công một số cây ở Sapa (Lào Cai) vào năm 1960.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng:

  • Rễ.

4.2. Thu hái:

  • Sau 4 năm trồng mới bắt đầu thu hoạch. Đào rễ vào các tháng 8-10

4.3. Chế biến:

  • Cắt bỏ thân rễ và rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, đồ lên cho chín (thời gian đồ tùy theo rễ to nhỏ mà quyết định), sau khi đồ đem sấy hoặc phơi khô. Có khi tẩm giấm rồi sao qua hay sao cháy cạnh, hoặc tẩm rượu sao qua.

4.4. Bảo quản:

  • Nơi khô ráo, thoáng mát.

5. Thành phần hóa học

  • Trong Thược Dược có paeoniflorin, oxy-paeoniflorin , albiflorin, benzoylpaeoniflorin , tinh bột, chất nhày…

6. Tính vị qui kinh

  • Vị chua, đắng, tính hàn, qui kinh Can Tỳ.

7. Tác dụng dược lý của bạch thược

 

Tác dụng dược lý của bạch thược

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Bạch Thược có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, hòa can chỉ thống.
  • Chủ trị các chứng can huyết hư, cơ thể hư nhược, nhiều mồ hôi, kinh nguyệt không đều, các chứng bệnh của thai sản, các chứng âm huyết hư, can dương thịnh, can phong động, các chứng đau do bệnh của can.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Glucozit Bạch Thược ức chế trung khu thần kinh nên có tác dụng an thần, giảm đau.
  • Glucozit Thược Dược có tác dụng ức chế cơ trơn của tử cung và dạ dày, ruột, ức chế tiết vị toan phòng được loét ở chuột cống thực nghiệm.
  • Nước sắc Bạch Thược có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn lị, thương hàn, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn tán huyết, phế cầu khuẩn và nhiều loại nấm ngoài da.
  • Glucozit Bạch Thược có tác dụng chống viêm và hạ nhiệt,
  • Glucozit Bạch Thược có tác dụng chống sự hình thành huyết khối do tiểu cầu, tăng lưu lượng máu dinh dưỡng cơ tim, có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ men Transaminaza.
  • Với tác dụng chống co thắt cơ trơn của mạch máu, Bạch Thược có tác dụng giãn mạch ngoại vi và hạ áp nhẹ.

8. Một số ứng dụng của bạch thược

8.1. Trị chứng táo bón kinh niên:

  • Sinh Bạch Thược 24 – 40g, Sinh Cam Thảo 10 – 15g, sắc nước uống. Thường dùng 2 – 4 thang là khỏi. Trường hợp táo bón kinh niên, mỗi tuần dùng 1 thang. Trường hợp khí hư gia Sinh Bạch Truật 24 – 32g, hư hàn gia Phụ Tử chế 10 – 15g, huyết hư gia Đương Qui 9 – 15g, khí trệ gia Mạch Nha 10g, huyết áp cao can vượng gia Đại Giá Thạch 20 – 30g, bỏ Cam Thảo, nếu huyết áp cao kiêm thấp bỏ Cam Thảo gia Bán Hạ, Trần Bì. Đã trị trên 609 ca bệnh nhân, kết quả tốt (Vương Văn Sỹ, Nghiệm chứng dùng Thược Dược Cam Thảo thang trị táo bón, Tạp chí Trung Y 1983, 8:79).

8.2. Trị viêm loét dạ dày:

  • Bạch Thược 15 – 20g, Chích Cam Thảo 12 – 15g. Tỳ vị hư hàn gia Đảng Sâm, Hoàng Kỳ mỗi thứ 12g, Phục Linh 20g, Can Khương 10g. Vị âm bất túc gia Sa Sâm 10g, Mạch Môn, Đương Qui mỗi thứ 12g, Sanh Địa 15g. Khí trệ huyết ứ gia Nhũ Hương, Mộc Dược, mỗi thứ 10g, Đơn Sâm, Xuyên Khung mỗi thứ 10g, Phục Linh 20g. Đã trị 120 ca, khỏi 83 ca, tiến bộ 33 ca, không có kết quả 4 ca, tỷ lệ kết quả 96,67%, kết quả tốt nhất đối với thể khí trệ huyết ứ (Dư Thụy Trân, Trị 120 ca loét dạ dày bằng Thược Dược Cam Thảo Thang gia giảm, Tạp chí Trung Y Sơn Đông 1984,2:22).

8.3. Trị các chứng đau bụng: thường do can vị bất hòa, can khí uất trệ gây đau (như: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt, viêm gan…):

  • Tứ Nghịch Tán (Thương Hàn Luận): Sài Hồ 6g, Bạch Thược 12g, Chỉ Thực 6g, Chích Cam Thảo 4g, sắc nước uống.
  • Trường hợp kiết lị, đau bụng có mót rặn, dùng Sinh Bạch Thược phối hợp Mộc Hương, Binh Lang . Dùng: Thược Dược Thang: Bạch Thược 24g, Hoàng Cầm 12g, Xuyên Tiêu 6g, Đại Hoàng 8g (cho sau), Mộc Hương 8g (cho sau), Binh Lang 8g, Đương Qui 12g, Nhục Quế 2g, Cam Thảo 4g, sắc uống.

8.4. Trị chứng co giật cơ ( chủ yếu cơ cẳng chân co rút):

  • Thược Dược Cam Thảo thang (Thương Hàn Luận): Bạch Thược, Cam Thảo, mỗi thứ 16g, sắc uống.
  • Hoặc dùng bài: Thược Dược 30g, Quế Chi, Cam Thảo mỗi thứ 15g, Mộc Qua 10g, ngày 1 thang, sắc uống. Đã trị 85 ca, sau khi uống 3 – 5 thang hết co rút, một số ít tái phát nhẹ hơn, uống bài này vẫn có kết quả tốt (Triệu Ngọc hải, Bài Thược Dược Cam Thảo thang gia vị. Trị 85 ca co rút cơ sinh đôi cẳng chân, Tạp chí Trung Y 1985,6:50).

8.5. Trị chứng tăng sinh xương:

  • Bạch Thược 30 – 60g, Mộc Qua 12g, Kê Huyết Đằng 15g, Uy Linh Tiên 15g, Cam Thảo 12g, tùy chứng gia giảm, ngày 1 thang, sắc uống. Trị 160 ca, khỏi trước mắt 109 ca, kết quả tốt 42 ca, tiến bộ 1 ca, tỷ lệ khỏi 96,7% (Vương Chi Truật, Nhận xét về chứng xương tăng sinh điều trị bằng Thược Dược Mộc Qua thang, Báo Tân Trung Y 1980,1:18).

8.6. Trị rối loạn kinh nguyệt, thống kinh , băng lậu:

  • Tứ Vật Thang: Khung Qui Thục Thược.
  • Dưỡng Huyết Bình Can Tán: Bạch Thược 12g, Đương Qui 12g, Hương Phụ chế 8g, Sinh Địa 10g, Sài Hồ 10g, Xuyên Khung 10g, Thanh Bì 6g, Cam Thảo 3g, sắc uống trị đau bụng kinh.

8.7. Trị chứng can âm bất túc sinh ra váng đầu, hoa mắt, ù tai, cơ bắp run giật, chân tay tê dại:

  • Bổ Can Thang (Y Tông Kim Giám): Bạch Thược 20g, Đương Qui, Thục Địa mỗi thứ 16g, Táo Nhân 20g, Mạch Môn 12g, Xuyên Khung, Mộc Qua mỗi thứ 8g, Cam Thảo 4g, sắc nước uống.

8.8. Trị hen suyễn:

  • Bạch Thược 30g, Cam Thảo 15g, tán bột mịn. Mỗi lần dùng bột thuốc 30g, gia nước sôi 3 – 5 phút để lắng cặn, uống nóng. Trị 35 ca, kết quả tốt 8 ca, có kết quả 23 ca, không kết quả 4 ca. Có kết quả trong 3 – 5 phút có 26 ca, trong 1 – 2 giờ có 4 ca, có kết quả nhanh nhất là sau 30 phút (Lý Phúc Sinh và cộng sự, Thược Dược Cam Thảo tán trị hen suyễn, Tạp chí Trung Y 1987, 9:66).

8.9. Trị tiểu đường:

  • Mỗi lần uống Cam Thảo giáng đường phiến 4 – 8 viên (Mỗi viên có Bạch Thược, Cam Thảo chế thành cao khô 0,165g tương đương thuốc sống 4g, lượng mỗi ngày tương đương Cam Thảo sống 8g, Sinh Bạch Thược 40g), ngày uống 3 lần. Trị 180 ca, kết quả tốt 54 ca, có kết quả 67 ca, tiến bộ 12 ca, không kết quả 47 ca, tỷ lệ kết quả 73,9%, cùng dùng kết hợp với các loại thuốc khác 34 ca, tỷ lệ kết quả là 79,4%  (Vương Tôn Căn, Kết quả điều trị tiểu đường bằng Giáng đường phiến, Tạp chí Trung Tây Y kết hợp 1986,10:593).