Chrysanthemum morifolium Ramat

1. Tên gọi khác

  • Tiết Hoa (Bản Kinh), Nữ Hoa, Nữ Tiết, Nữ Hành, Nhật Tinh, Cảnh Sinh, Truyền Diên Niên, Âm Thành, Chu Doanh (Biệt Lục), Mẫu Cúc, Kim Nhị (Bản Thảo Cương Mục)…

2. Tên khoa học

  • Cúc hoa trắng : Chrysanthenum sinense .
  • Cúc hoa vàng: Chrysanthenum indicum.
  • Họ Cúc (Asteraceae).

3. Mô tả về cúc hoa

 

Mô tả về cúc hoa
  • Bạch Cúc là một cây thuốc quý, cây sống dai, hay sống một năm. Thân đứng nhẵn, có rãnh. Lá mặt dưới có lông và trắng hơn mặt trên có 3-5 thùy trái xoan tròn đầu hay hơi nhọn, có răng ở mép. Cuống lá có tai ở gốc. Đầu to, các lá bắc ở ngoài hình chỉ, phủ lông trắng, các lá trong thuôn hình trái xoan. Trong đầu có 1-2 hàng hoa hình lưỡi nhỏ, màu trắng, các hoa ở giữa hình ống nhiều, màu vàng nhạt. Không có mào lông. Tràng hoa hình ống có tuyến, 5 thùy. Nhị 6, bao phấn ở tai ngắn. Bầu nhẵn, nghiêng. Quả bế gần hình trái xoan, bông thường hay ướp trà, rất hiếm.
  • Cây Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) là một cây mọc thẳng đứng cao chừng 90cm. Phiến lá hình 3 cạnh tròn, thùy xẻ sâu. Cụm hoa hình cầu, đường kính nhỏ hơn loài hoa cúc nói trên, thường chỉ độ từ 1 – 1,5cm (loài trên đo được 2,5 – 5cm). Hoa trong và ngoài đều màu vàng.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng:

  • Hoa (Flos Chrysanthemi).
  • Loại hoa đóa nguyên vẹn, màu tươi sáng, thơm, không lẫn cành, cuống, lá, là loại tốt. Dùng hoa tươi sẽ tốt hơn.

4.2. Thu hái:

  • Thường được thu hái vào mùa thu, đầu mùa đông, khoảng tháng 9 – 11 hàng năm khi hoa nở.

4.3. Chế biến:

  • Lúc hoa mới chớm nở, hái về, phơi nắng nhẹ hoặc phơi trong râm (âm can), dùng tươi tốt hơn. Muốn để được lâu thì xông hơi Lưu hoàng 2-3 giờ, thấy hoa chín mềm là được, rồi đem nén độ một đêm, thấy nước đen chảy ra, phơi khô cất dùng.

4.4. Bảo quản:

  • Không nên phơi nắng nhiều vì mất hương vị và nát cánh hoa, biến màu, không được sấy quá nóng. Chỉ nên hong gió cho khô, dễ bị ẩm.
  • Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, có thể xông diêm sinh định kỳ.

5. Thành phần hóa học

  • Người ta thấy trong Bạch Cúc chứa các chất borneol, camphor, chrysanthenone, lutein-7-ramnoglucoside, cosmoiin, apigenin-7-O-Glucoside..

6. Tính vị qui kinh

  • Bạch Cúc hoa vị đắng, tính bình (Bản kinh); vị ngọt, không độc (Biệt lục); vị đắng mà ngọt, tính hàn (Thang Dịch Bản Thảo)… Quy vào kinh Phế, Tỳ, Can, Thận.

7. Tác dụng dược lý của cúc hoa

 

Tác dụng dược lý của cúc hoa

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Hoạt huyết hành khí, thông kinh chỉ thống.
  • Chủ trị: Khí huyết ngưng trệ biểu hiện đau ngực, cánh tay đau, hoặc té ngã bị tổn thương, bế kinh, đau bụng, viêm loét đường tiêu hóa vv….

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Cúc hoa, trong thí nghiệm, có tác dụng ức chế tụ cầu trùng vàng, Liên cầu trùng dung huyết Bêta, Lỵ trực trùng Sonnei, trực trùng thương hàn (Trung Dược Học).
  • Điều trị huyết áp cao: Nước sắc Cúc hoa cho 46 người bệnh huyết áp cao hoặc bệnh xơ mỡ động mạch. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ các chứng đầu đau, chóng mặt, mất ngủ có cải thiện, 35 người trở lại huyết áp bình thường. Trên 10-30 ngày sau những triệu chứng còn lại tiến triển tốt (Chinese Hebral Medicine).
  • Bạch cúc hoa có tác dụng ức chế phần nào các loại nấm ngoài da (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

8. Một số ứng dụng

8.1. Chữa chứng ngoại cảm phong nhiệt- chứng phong ôn giai đoạn đầu:

  • Biểu hiện:  sốt hơi rét, đau đầu, mắt sưng đỏ thường gặp trong viêm đường hô hấp trên, viêm màng tiếp hợp cấp, dùng bài:
  • Tang Cúc Ẩm : Tang Diệp 12g, Cúc Hoa 12g, Hạnh Nhân 12g, Liên Kiều 6 – 12g, Cát Cánh 8 – 12g, Lô Căn 8 – 12g, Bạc Hà 2 – 4g, Cam Thảo 2 – 4g.
  • Tang Cúc Câu Liên Hợp Tề: Cúc Hoa, Tang Diệp, Câu Đằng, Cát Cánh mỗi thứ 8g, Liên Kiều 12g, Xa Tiền Tử 12g, Cam Thảo 4g, sắc nước uống.

8.2. Chữa viêm màng tiếp hợp cấp: (đau mắt sưng đỏ) thường kết hợp với các thuốc tư âm thanh can hỏa:

  • Cúc Hoa Tán: Cúc Hoa, Bạch Tật Lê, Mộc Tặc Thảo mỗi thứ 12g, Thuyền Thoái 3g, Huyền Sâm 12g, Liên Kiều 8g, Khương Hoạt 4g, sắc nước uống.

8.3. Chữa huyết áp cao mắt mờ: do Can thận âm huyết kém dùng bài:

  • Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn: Thục Địa 20g, Hoài Sơn 16g, Bạch Linh, Trạch Tả, Đơn Bì, Sơn Thù, Cúc Hoa, Kỷ Tử mỗi thứ 12g.
  • Theo tỷ lệ của bài thuốc này, Thục Địa sắc lấy nước còn bã cùng các vị thuốc khác sấy khô tán bột mịn trộn đều với nước. Thục Địa làm thành hoàn. Mỗi lần uống 6 – 12g, uống 2 lần/ngày hoặc sắc thuốc thang uống.

8.4. Chữa mụn nhọt đinh độc: thuốc có tác dụng giải độc tiêu sưng. Dùng loại Dã cúc hoa (tươi) giã nát đắp nhọt, uống thêm bài:

  • Bạch Cúc hoa tươi 120 – 150g, Cam Thảo tươi 20g, sắc nước uống.

Chú ý: Các loại Cúc Hoa đều ít nhiều có tác dụng giải cảm phong nhiệt, giải độc tiêu viêm, làm sáng mắt, nhưng mỗi loại đều có tác dụng khác nhau:

  • Cúc Hoa vàng (Hàng Châu) mạnh về sơ tán phong nhiệt, đau đầu mắt đỏ thường dùng.
  • Cúc Hoa trắng (Cam cúc hoa) mạnh về dưỡng can minh mục thường dùng chữa chứng Can thận âm hư sinh mờ mắt, còn có tác dụng giảm đau.
  • Dã Cúc Hoa (Chryanthemum indicum L.) vị đắng cay tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc tốt. Qua nghiên cứu dược lý thực nghiệm thấy có tác dụng kháng khuẩn (ức chế tụ cầu khuẩn vàng và trực khuẩn bạch hầu). Còn có tác dụng hạ áp (do thuốc có tác dụng đối kháng với adrenalin, làm giãn mạch máu ngoại vi thường dùng chữa mụn nhọt. Dùng độc vị hoặc kết hợp Kim Ngân Hoa, Bồ Công Anh (dùng tươi đắp hoặc thuốc sắc uống). Chữa cao huyết áp dùng dạng trà độc vị hoặc kết hợp với Thảo quyết minh, Hạ khô thảo sắc nước uống.
  • Dùng thận trọng đối với người tỳ vị hư hàn: đau bụng do lạnh, đi ngoài sống phân, chân tay lạnh.