Herba Houttuyniae Cordatae

1. Tên gọi khác

  • Ngư Tinh Thảo, Giấp Cá, Dấp Cá.
  • Sầm Thảo (Ngô Việt Xuân Thu), Tập (Biệt Lục), Tử Bối Ngư Tinh Thảo (Phục Quy Nham Bản Thảo), Tử Sầm (Cứu Cấp Dị Phương), Xú Trư Sào (Y Lâm Toản Yếu), Xú Tinh Thảo (Tuyền Châu Bản Thảo), Cửu Tiết Liên (Lãnh Nam Thái Dược Lục).

2. Tên khoa học

  • Tên cây: Houttuynia cordata Thunb.
  • Họ Lá Giấp (Saururaceae).

3. Mô tả về diếp cá

 

Mô tả về diếp cá
  • Cây thảo cao 15-50cm; thân màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc so le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, trong chứa nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn. Mùa hoa tháng 5-8, quả tháng 7-10.
  • Loài của lục địa châu Á, phân bố từ Ấn Độ qua Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, các nước Đông Dương. Ở nước ta, Diếp cá mọc hoang ở chỗ ẩm ướt.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng:

  • Toàn cây trên mặt đất.

4.2. Thu hái:

  • Thu hái cành lá quanh năm và thường dùng tươi như là 1 loại rau ăn.

4.3. Chế biến:

  • Có thể phơi hay sấy khô để dùng dần.

4.4. Bảo quản:

  • Nơi khô ráo và thoáng mát.

5. Thành phần hóa học

  • Trong cây có chừng 0.0049% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là: methylnonylketon, decanonylacetaldehyde, chất myrcen và một ít alcaloid là cordalin, một hợp chất sterol… Trong lá có quercitrin (0.2%); trong hoa và quả có isoquercitrin. Độ tro trung bình là 11,4%, tro không tan trong HCl là 2,7%.

6. Tính vị qui kinh

  • Vị cay, tính hơi hàn.
  • Qui kinh Phế.

7. Tác dụng dược lý của diếp cá

 

Tác dụng dược lý của diếp cá

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Có tác dụng thanh nhiệt giải độc bài nùng, lợi niệu thông lâm.
  • Chủ trị chứng phế ung, sang ung, nhiệt lâm, tiểu tiện sáp thống.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Diếp Cá có tính kháng khuẩn rộng: Có tác dụng ức chế các loại tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, leptospira, nấm, virut cúm…Tăng cường chức năng miễn dịch: có tác dụng chống viêm và lợi tiểu.
  • Dịch rau diếp cá chích vào ổ bụng có tác dụng chống cơn ho.

8. Một số ứng dụng

8.1. Trị các chứng viêm ở phổi: áp xe phổi phế ung, viêm phổi thùy, viêm phổi đốm:

  • Trường hợp áp xe phổi, viêm phổi thùy dùng bài: Ngư Tinh Thảo Cát Cánh thang (Ngư Tinh Thảo 40g, Cát Cánh 20g sắc uống hoặc tán bột uống).
  • Ngư Tinh Thảo 40g, trứng gà 1 cái. Cho thuốc ngâm vào nước 1 chén, ngâm 1 tiếng đồng hồ rồi sắc lên (không sắc lâu) bỏ xác cho trứng khuấy đều, ăn mỗi ngày 1 lần từ nửa tháng đến 1 tháng. Trị ho lao có máu, ho đờm có mủ.
  • Ngư Tinh Thảo tươi 80g, phổi lợn 1 cái, nấu chín ăn cả nước, cứ 2 – 3 ngày 1 lần, uống 3 – 5 lần trị áp xe phổi.
  • Ngư Tinh Thảo 30g sắc uống lúc nóng, ngày 1 lần trị các bệnh áp xe phổi, lao phổi, giãn phế quản, viêm phế quản đều có kết quả.

8.2. Trị hội chứng thận hư:

  • Mỗi ngày dùng Ngư Tinh Thảo khô 100g, trụng nước sôi hoặc sắc nhỏ lửa ít phút uống thay nước chè (Tạp chí Trung Y Sơn Tây 1988).

8.3. Dùng phòng bệnh xoắn trùng:

  • Trong thời gian lưu hành bệnh, mỗi ngày uống 15 – 30g thuốc viên Ngư Tinh Thảo, quan sát 1603 ca có kết quả (thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng ức chế xoắn khuẩn in vitro) (Tạp chí Tân Y Dược Học 1975).

8.4. Trị loét cổ tử cung:

  • Ngư Tinh Thảo và Băng Phiến trộn làm dạng mỡ vaselin bôi trị 670 ca, kết quả đạt 86,2 – 99,3% (Tạp chí Trung Y Dược Thượng Hải 1983).

9. Chú ý

  • Có trường hợp dùng dịch Diếp Cá gây choáng, dị ứng.
  • Hư hàn: không dùng.
  • Mụn nhọt thể âm: không dùng.