CORTEX EUCOMMIAE ULMOIDIS

1. Tên gọi khác

  • Tư Trọng, Ngọc Ty Bì, Đỗ Trọng bắc.

2. Tên khoa học

  • Eucomia ulmoides Oliv thuộc họ Đỗ Trọng (Eucommiaceae).

3. Mô tả về đỗ trọng

Mô tả về đỗ trọng
  • Là loại cây gỗ cao tới 10 – 20m, xanh tốt quanh năm. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng rộng, đầu lá nhọn, mép có răng cưa. Hoa đơn tính khác gốc, không có bao hoa. Quả hình thoi, đầu quả xẻ làm hai, tạo thành hình chữ V
  • Cây được di thực và trồng được ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình và một số tỉnh vùng núi phía bắc nước ta.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng

  • Bộ phận dùng là vỏ thân.

4.2. Thu hái

  • Được thu hái vào hai mùa xuân, hạ.

4.3. Chế biến

  • Chọn những cây to, đường kính tới 15 – 60cm, bóc lấy vỏ, cạo bỏ lớp vỏ thô bên ngoài, phơi sấy khô.
  • Đỗ trọng gần như không mùi, vị hơi đắng, nhai có bã keo. Nếu bẻ ra, có nhiều sợi tơ dai, óng ánh, khó đứt.

4.4. Bảo quản

  • Nơi khô ráo, thoáng mát.

5. Thành phần hóa học

  • Chất nhựa, tanin, chất béo, tinh dầu và một số muối vô cơ: Glutta-percha, alkaloids, glycosides, potassium, vitamin C.

6. Tính vị qui kinh

  • Vị ngọt, tính ôn, qui kinh can, thận.

7. Tác dụng dược lý của đỗ trọng

Tác dụng dược lý của đỗ trọng

7.1. Theo Y học cổ truyền

  • Bổ can thận, cường gân cốt, an thai. Chủ trị chứng thận hư, đau lưng, liệt dương (dương nuy), thai động, thai lậu, trụy thai.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

_ Theo sách Trung Dược Học:

  • Tác dụng hạ áp: sắc nước và cồn chiết xuất thuốc đều có tác dụng hạ áp, nước sắc còn có tác dụng mạnh hơn, nước sắc Đỗ Trọng sao tốt hơn nước sắc Đỗ Trọng sống. Cơ chế tác dụng chủ yếu do thuốc trực tiếp làm thư giãn cơ trơn của mạch máu, nhưng có tác dụng hạ áp thời gian ngắn.
  • Thuốc có tác dụng hạ cholesterol huyết thanh, dãn mạch tăng lưu lượng máu của động mạch vành.
  • Có tác dụng chống viêm, có tác dụng tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận, tác dụng hưng phấn hệ thống tuyến yên, vỏ tuyến thượng thận.
  • Thuốc có tác dụng an thần giảm đau (trấn kinh, trấn thống).
  • Thuốc làm tăng tính miễn dịch của cơ thể: thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng điều chỉnh chức năng của tế bào miễn dịch và nhận thấy lá, cành, vỏ tái sinh của Đỗ trọng đều có tác dụng như nhau.
  • Tác dụng đối với tử cung: nước sắc và cồn chiết xuất Đỗ Trọng có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập của thỏ và chuột lớn làm cho tử cung ở trạng thái co bóp được hồi phục, nhưng đối với tử cung cô lập của mèo thì tác dụng hưng phấn lại rất nhẹ.
  • Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu và tác dụng lợi tiểu.
  • Thuốc sắc có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lị Flexner, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch cầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết B.

_ Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi:

  • N.V. Sapdinscôi (Phòng Dược lý viện VNIFI Liên Xô 1950) đã nghiên cứu và xác định Đỗ Trọng không độc. Với liều vừa phải, thuốc có tác dụng kích thích, với liều cao có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, nhất là vùng vỏ não. Tác dụng hạ huyết áp do tác dụng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy và trên mê tẩu thần kinh (nerf vague). Đỗ trọng còn có tác dụng làm mạnh sự co bóp của cơ tim. Nước sắc Đỗ Trọng tăng lượng nước tiểu đối với chuột bạch và tăng sức đối với cơ trơn của sừng tử cung và ruột.

8. Một số ứng dụng

_ Trị đau lưng do thận hư, dùng phối hợp với các loại thuốc bổ thận khác:

  • Nếu thận dương hư, dùng Hữu qui hoàn (Cảnh nhạc toàn thư) gồm: Thục Địa 26g, Hoài Sơn 16g, Sơn Thù 10g, Câu Kỷ Tử 12g, Đỗ Trọng 16g, Thỏ Ty Tử 12g, Phụ Tử 6g, Nhục Quế 8g, Đương Qui 12g, Lộc Giác Giao 10g, sắc uống hoặc dùng mật chế làm hoàn.
  • Nếu thận âm hư, dùng bài Tả Qui Hoàn (Cảnh Nhạc Toàn Thư) gia giảm: Sinh Địa 16g, Hoài Sơn 12g, Sơn Thù 12g, Thỏ Ty Tử 12g, Câu Kỷ Tử 16g, Ngưu Tất 12g, Đỗ Trọng 12g, Nhục Thung Dung 12g, sắc uống hoặc chế mật làm hoàn.

_ Trị liệt dương, di tinh: dùng bài:

  • Thập Bổ Hoàn: Lộc Nhung 80g, Đỗ Trọng 160g, Ngũ Vị Tử 40g, Thục Địa 230g, Mạch Môn, Hoài Sơn, Sơn Thù, Thỏ Ty Tử, Ngưu Tất, Câu Kỷ Tử mỗi thứ 160g, tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần uống 12g, ngày 2 lần với nước muối nhạt.

_ Trị phụ nữ có thai dọa sẩy, thai động:

  • Đỗ Trọng sống 40g, Xuyên Tục Đoạn 12g, Sơn Dược 20g, Cam Thảo 4g, Đại Táo 20 quả, sắc uống.
  • Tục Đoạn, Đỗ Trọng sao, Tang Ký Sinh, Bạch Truật sao, A Giao, Đương Qui mỗi thứ 12g, Thỏ Ty Tử 4g, sắc nước uống trị dọa sẩy thai nhiều lần.

_ Trị tăng huyết áp:

  • Sinh Đỗ Trọng, Hạ Khô Thảo mỗi thứ 80g, Đơn Bì, Thục Địa mỗi thứ 40g, tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 12g, ngày 2 – 3 lần.
  • Đỗ Trọng, Tang Ký Sinh mỗi thứ 16g, Mẫu Lệ sống 20g, Cúc Hoa, Câu Kỷ Tử mỗi thứ 12g sắc uống.
  • Cao lỏng Đỗ Trọng 25g, mỗi lần uống 15 – 30 giọt, ngày 2 – 3 lần. Rượu Đỗ Trọng 15g, mỗi lần dùng 15 – 30 giọt, ngày dùng 2 – 3 lần.