Flos Sophorae Japonica Immaturus

1. Tên gọi khác

  • Hòe Thực (Bản Kinh), Hòe Nhụy (Bản Thảo Đồ Kinh), Hòe Nhụy (Bản Thảo Chính), Thái Dụng (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Hòe Mễ, Hòe Hoa Mễ, Hoà Trần Mễ (Hòa Hán Dược Khảo), Hòe Hoa Thán, Hòe Mễ Thán, Hòe Nga, Hòe Giao, Hòe Nhĩ, Hòe Giáp (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

2. Tên khoa học

  • Tên cây: Sophora japonica Linn.
  • Họ Cánh bướm (Fabaceae (Papilionaceae)).

3. Mô tả về hoa hòe

Mô tả về hoa hòe
  • Cây Hoa Hòe là một cây to cao 5-6m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có từ 7 – 17 lá chét. Hoa mọc thành bông, cánh bướm màu vàng trắng. Quả là một giáp dài hoặc hơi cong, giữa các hạt quả hơi thắt lại. Mùa hoa vào các tháng 7, 8, 9.
  • Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta, có nhiều ở miền Bắc Việt Nam. Trồng bằng hạt hoặc dâm cành.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng

  • Bộ phận dùng làm thuốc của cây Hòe là nụ hoa (Hòe hoa).
  • Ngoài ra, còn dùng quả già để làm thuốc với tên gọi là Hòe giác.

4.2. Thu hái

  • Vào mùa hè khi hoa chưa nở, quả chín, thu hái trước hoặc sau tiết Đông chí phơi khô dùng.

4.3. Chế biến

  • Phơi hoặc sấy khô.

4.4. Bảo quản

  • Nơi khô ráo, thoáng mát.

5. Thành phần hóa học

  • Rutin, Betulin, Sophoradiol, Glucuronic acid.

6. Tính vị qui kinh

  • Vị đắng, hơi hàn.
  • Qui kinh Can, Đại trường.

7. Tác dụng dược lý

Tác dụng dược lý

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Thuốc có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, thanh can tả hỏa.
  • Chủ trị các chứng: tiện huyết, trĩ huyết, niệu huyết, lạc huyết, nục huyết, can nhiệt mắt đỏ, đầu căng đau, chóng mặt.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng cầm máu: Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.
  • Tác dụng với mao mạch: giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.
  • Tác dụng của thuốc đối với hệ tim mạch: chích tĩnh mạch chó được gây mê dịch Hoa hòe, huyết áp hạ rõ rệt. Thuốc có tác dụng hưng phấn nhẹ đối với tim cô lập ếch và làm trở ngại hệ thống truyền đạo. Glucozit vỏ Hòe có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim cô lập và tim tại thể của ếch. Hòe bì tố có tác dụng làm giãn động mạch vành.
  • Tác dụng hạ mỡ trong máu: Hòe bì tố có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch. Đối với xơ mỡ động mạch thực nghiệm, thuốc có tác dụng phòng trị.
  • Tác dụng chống viêm: đối với viêm khớp thực nghiệm của chuột lớn và chuột nhắt, thuốc có tác dụng kháng viêm.
  • Tác dụng chống co thắt và chống loét: Hòe bì tố có tác dụng giảm trương lực cơ trơn của đại tràng và phế quản. Tác dụng chống co thắt của Hòe bì tố gấp 5 lần của Rutin. Rutin có tác dụng làm giảm vận động bao tử của chuột lớn, làm giảm bớt rõ rệt só ổ lóet của bao tử do thắt môn vị của chuột.
  • Tác dụng chống phóng xạ: Rutin làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của chuột nhắt do chất phóng xạ với liều chí tử.
  • Rutin có tác dụng phòng ngừa tổn thương do đông lạnh thực nghiệm: đối với tổn thương độ 3 càng rõ, đối với độ 1 và 2 cũng có tác dụng.
  • Tác dụng chống tiêu chảy: nước Hoa hòe bơm vào ruột của thỏ kích thích niêm mạc ruột sinh chất tiết dịch có tác dụng làm giảm tiêu chảy.

8. Một số ứng dụng

8.1. Dùng làm thuốc lương huyết chỉ huyết: Trong các chứng tiêu ra máu, trĩ ra máu, huyết lỵ, băng lậu, niệu huyết:

  • Hoa Hòe 12g, Bách Thảo Sương (Nhọ Nồi) 4g, tán bột mịn uống với nước sắc rễ tranh. Trị nôn ra máu.
  • Viên Hoa Hòe: Bột Hoa Hòe làm thành viên 0.07g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 – 4 viên, ngoài chỉ định các chứng có xuất huyết, sách Dược liệu còn ghi: “Chữa đau mắt, đái tháo đường, phòng và chữa mao mạch dễ vỡ, huyết áp cao, xơ cứng động mạch. Có thể kết hợp uống với viên Cỏ Nhọ Nồi, sinh tố C”.

8.2. Trị huyết áp cao:

  • Hoa Hòe, Hy Thiêm Thảo đều 20 – 40g sắc nước uống.

8.3. Trị băng lậu:

  • Hoa Hòe Than, Tề Thái, Mã Xĩ hiện đều 30g, Ô Tặc Cốt nung, Thuyên Thảo Than, Địa Du Than, Kế Mộc (?) mỗi thứ 15g, Bồ Hoàng Than 10g, Sinh Cam Thảo 5g. Tùy chứng gia giảm. Phan Hóa Quang đã dùng trị cho 140 ca băng lậu, ngày uống 1 thang, ra máu nhiều dùng 2 thang mỗi ngày. Kết quả: uống 1 – 3 ngày hết chảy máu (64 ca); 4 – 6 ngày hết (53 ca); không kết quả (23 ca); tỷ lệ có kết quả 83,6%, xuất huyết cơ năng thuốc có tác dụng tốt hơn là đối với băng huyết có tổn thương thực thể. (Trung Y tạp chí 1982).

8.4. Trị bệnh trĩ:

  • Hoa Hòe Tán: Hoa Hòe 12g, Trắc Bá Than 12g, Kinh Giới 8g, Chỉ Xác 12g, tán bột mịn uống với nước sôi nguội hoặc làm thang uống.
  • Hoa Hòe Tiêu Trĩ Thang: Hoa Hòe, Hòe Giác, Hoạt Thạch đều 15g, Sinh Địa, Ngân Hoa, Đương Qui đều 12g, Hoàng Liên, Hoàng Bá, Hoàng Cầm đều 10g, Thăng Ma, Sài Hồ, Chỉ Xác đều 6g, Cam Thảo 3g, tùy chứng gia giảm ngày 1 thang. Bồ Hiếu Sanh đã dùng trị 400 ca trĩ nội, kết quả: khỏi 244 ca (61%), tốt 123 ca (31%), không kết quả 33 ca (8%). Liệu trình 1 – 4 ngày (Tạp chí Trung Y Tứ Xuyên 1985).

8.5. Trị vảy nến:

  • Hoa Hòe sao vàng tán bột mịn, luyện mật làm hoàn mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần, dùng nước sôi để nguội uống sau bữa cơm. Kết quả đã trị 53 ca, khỏi 6 ca, tiến bộ 22 ca, có tiến bộ 19 ca, không kết quả 6 ca (Thông tin nghiên cứu bệnh ngoài da 1972).

8.6. Trị mụn nhọt mùa hè:

  • Dùng Hoa Hòe khô 30 – 60g cho nước 1500ml sắc lấy nước, lấy bông thấm nước rửa tại chỗ, nước có thể hâm nóng mỗi ngày rửa 2 – 3 lần, bã thuốc đắp vào chỗ đau. Thường sau 1 – 2 ngày mụn nhọt hết sưng và khỏi (Báo cáo của Cốc Trần Thanh, Tạp chí Trung Y Giang Tây 1966).

8.7. Trị chứng can nhiệt: mắt đỏ, đầu căng đau, chóng mặt…

  • Thuốc có tác dụng thanh can nhiệt, nấu uống như nước trà có thể phối hợp thêm Cúc Hoa, Hạ Khô Thảo.

9. Chú ý

  • Uống cho vào thuốc thang: 10 – 15g, tán bột mịn uống có thể giảm liều.
  • Dùng ngoài lượng không hạn chế.
  • Trường hợp trị cao huyết áp nên dùng Hoa Hòe sống. Trường hợp cầm máu nên dùng sao thành than.
  • Thận trọng đối với bệnh nhân hư hàn và phụ nữ có thai.
  • Tác dụng của Hòe Giác cũng như Hoa hòe nhưng tác dụng cầm máu kém hơn và tác dụng thanh nhiệt mạnh hơn, có tác dụng nhuận tràng. Tính dược của Hoè Giác âm hàn, trầm giáng dùng trị trĩ ra máu, tiểu ra máu.