1. Tên gọi khác

  • Vừng đen là tên gọi ở miền Bắc, miền Nam gọi là Mè.
    Du Tử miêu, Cự Thắng Tử, Bắc Chi Ma, Chi Ma, Hồ Ma, Hồ Ma Nhân.

2. Tên khoa học

  • Tên cây: Sesamum orientale L, Sesamum indicum Dc, Sesamum lutrum Retz.
    Họ Vừng (Pedaliaceae).

3. Mô tả về mè (vừng)

Mô tả về mè (vừng)
  • Cây Vừng là một loại cỏ nhỏ, thân có nhiều lông, cao chừng 0.6m, sống hằng năm. Lá mọc đối, đơn, không có lá kèm, nguyên, có cuống. Hoa trắng mọc đơn độc ở kẽ lá, lưỡng tính, không đều, có cuống ngắn. Đài hơi hợp ở gốc. Tràng hình ống loe ra thành hai môi, môi dưới gồm 3 thùy, môi trên 2 thùy, 4 nhị, 2 to, 2 nhỏ, 2 lá noãn, đầu nhụy có 2 nuốm, bầu có vách giả chia thành 4 ổ, mỗi ô chứa một dãy dọc nhiều noãn. Quả nang dài, 4 ô mở thành 4 mảnh. Nhiều hạt nhỏ màu vàng hay nâu đen. Lá mầm chứa nhiều dầu.
  • Vừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy hạt ăn và để xuất khẩu. Ngoài ra những nước khác như Campuchia, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tiểu Á, miền nam Liên xô cũ, Rumani, Hy Lạp đều có. Trước Cách Mạng Tháng Tám, hàng năm toàn nước ta sản xuất chừng 1.200-1.300 tấn, nhiều nhất ở các tỉnh vùng Trung Bộ.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng:

  • Hạt.

4.2. Thu hái:

  • Vào các tháng 7, 8, 9 người ta cắt toàn cây về phơi khô đập lấy hạt.

4.3. Chế biến:

  • Phơi khô, loại bỏ tạp chất là được.
  • Vừng đen hay vàng đều dùng làm thuốc được, nhưng thường chỉ hay dùng vừng đen. Còn dầu thì ép từ vừng đen hay vàng đều dùng được.

4.4. Bảo quản:

  • Nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

5. Thành phần hóa học

  • Trong hạt vừng có từ 40-55% dầu, có khi lên tới 60%. Ngoài ra còn chừng 5-6% nước, 20- 22% chất protein, 5% tro, trong đó có 1.7mg đồng, 1% canxi oxalat, 6.3-8.8% chất không có nitơ, pentozan, lexitin, phytin và cholin.
  • Dầu vừng chứa khoảng 12-16% axit đặc (7.7% axit panmitic, 4.6% axit stearic, 0.4% axit arachidic), 75-80% axit lỏng (trong đó có 48% axit oleic, 30% axit linolic và, 0.04% axit lignoxeric). Phần không xà phòng hóa được chiếm 0.9-1.7% và chừng 1% lexitin.
  • Trong dầu vừng Villelavecchia và Fabris còn phân tích được chất sesamin C20H18O6 với tỷ lệ chừng 0.25-1%. Ngoài ra còn chừng 0.1% chất sesamol là một phenol có công thức C7H6O3.

6. Tính vị qui kinh

  • Vị ngọt, tính bình, không độc.
    Qui kinh Phế, Tỳ, Can, Thận.

7. Tác dụng dược lý của mè (vừng)

Tác dụng dược lý của mè (vừng)

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Có tác dụng ích gan, bổ thận, nuôi huyết, nhuận táo; là thuốc tư dưỡng cường tráng, chủ trị thương phong, hư nhược, bổ ngũ tạng, ích khí lực, dầy tủy não, bền gân cốt, sáng tai mắt, quên đói sống lâu, trị chứng đại tiện táo bón.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Dầu mè bôi lên niêm mạc có tác dụng làm giảm kích thích, chống viêm.
    Có tác dụng giảm lượng cholesterol máu, phòng trị xơ cứng động mạch.
    Dầu mè đen có tác dụng nhuận trường.
    Là thức ăn nhiều chất dinh dưỡng đối với cơ thể.

8. Một số ứng dụng

8.1. Trị đạm niệu:

  • Dùng 500g Mè đen, Hạch Đào Nhân 500g, tán bột mịn, mỗi lần uống 20g với nước ấm và ăn 7 quả táo, ngày 3 lần, uống hết thuốc là 1 liệu trình. Đã trị nhiều ca viêm thận mạn, thận hư nhiễm mỡ, thường là hết đạm niệu sau 1 liệu trình (Mã Chiêm Thúc, Chi Ma Đào Nhân trị đạm niệu, Báo Trung y Hà Bắc 1985).

8.2. Trị các bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, suy nhược thần kinh:

  • Có triệu chứng can thận âm hư như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, huyết hư, chân tay tê dại, âm hư hiếp thống, tiện táo, dùng bài:
  • Tang Chi Ma: Tang diệp 1 cân (tán bột mịn), Mè đen 4 lạng (chưng chín giã nát), dùng nước làm hoàn, mỗi lần uống 6 – 12g.

8.3. Trị táo bón do khí hư:

  • Mè đen sao tán bột 1 – 2 muỗng canh, trứng gà 1 quả, trộn đều, đổ nước sôi thành hồ, thêm ít đường mật trộn vào uống. Trị chứng thận hư.

8.4. Giới thiệu một số bài thuốc kinh nghiệm:

  • Trị cao huyết áp: Mè đen, Hà Thủ Ô, Ngưu Tất lượng bằng nhau, tán nhỏ, dùng mật viên, ngày uống 10g x 3 lần.
  • Thuốc lợi sữa: Mè đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít muối ăn hàng ngày cho lợi sữa. Có thuốc gia Hoàng Kỳ, Đương Quy, Đảng Sâm, Xuyên Sơn Giáp, Vương Bất Lưu Hành.
  • Trị trẻ con xích bạch lị: Dầu mè 5 – 10g tùy theo tuổi, hòa với mật ong uống.

9. Chú ý

  • Hoa vừng ngâm vào nước đắp lên mắt đau làm mát mắt, dịu đau.
  • Nước sắc lá và rễ vừng được nhân dân Ấn Độ, Trung Quốc dùng làm thuốc mọc tóc và giữ cho tóc được đen lâu.
  • Liều dùng hằng ngày: Ngày uống 10-25ml làm thuốc bổ; muốn nhuận và tẩy, tăng liều lên tới 40 đến 60g.
  • Trường hợp tiêu chảy không nên dùng.